banner 3

Kỹ năng sống

12 kỹ năng sống nên được dạy ở trường học

08:23 - 12/01/2024
Nhiều trường đại học dạy về tài chính, kế toán, nhưng không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm, cách quản lý ngân sách cá nhân. Tôi tin rằng học sinh nên tham gia những khóa học

12 kỹ năng sống nên được dạy ở trường học

Trường học quá chú trọng học thuật mà chưa quan tâm dạy học sinh cách quản lý tiền bạc, thời gian đúng cách; chưa dạy về tình yêu, mua nhà, xe. 

Geoff Pilkington, 38 tuổi, là diễn viên, CEO của Công ty Launch Industries tại Los Angeles, Mỹ. Cho rằng trường học quá chú trọng kiến thức học thuật khiến học sinh không có cơ hội tìm hiểu về đời sống thực, anh rút ra 12 kỹ năng sống nên được dạy tại trường học.

Tôi đã học lượng lớn kiến thức ở trường khiến bản thân vô cùng tự tin bước ra cuộc sống. Nhưng khi thực sự đắm mình vào thế giới thực, tôi nhận thấy mình thiếu rất nhiều kỹ năng, bài học không được dạy tại trường.

1. Quản lý tiền bạc đúng cách

Nhiều trường đại học dạy về tài chính, kế toán, nhưng không nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm, cách quản lý ngân sách cá nhân. Tôi tin rằng học sinh nên tham gia những khóa học về cách xây dựng ngân sách cá nhân, cách đàm phán hợp đồng, đọc và làm báo cáo tài chính hay làm thế nào để tạo ngân sách cho mục tiêu dài hạn của bản thân. Những điều này có thể được đề cập tại các trường đại học chuyên ngành, nhưng nó thiên về cho một công ty, một ngân hàng, hay một tổ chức lớn mà quên đi nhu cầu của mỗi cá nhân.

2. Sức khỏe tâm thần

Hiện nay, có rất nhiều tranh cãi, nghiên cứu về vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo một báo cáo năm 2014 của Newsweek, 42,5 triệu thanh niên Mỹ hoặc 18,2% trên tổng số thanh niên Mỹ mắc bệnh tâm thần, tức là cứ năm người Mỹ thì có một người mắc bệnh tâm thần.

Vì vậy, việc đưa sức khỏe tâm thần vào giáo dục chưa bao giờ cần thiết hơn lúc này. Bằng cách coi đây là môn học hoặc đề tài, học sinh và giáo viên sẽ cùng nhau thảo luận, từ đó cho thế hệ trẻ cái nhìn rõ ràng về sức khỏe tâm thần và các phương pháp giải tỏa căng thẳng, hạn chế mắc bệnh. Nếu biết xác định vấn đề tinh thần của bản thân, các em sẽ có khả năng áp chế, kiểm soát nó tốt hơn. Tôi tin rằng nếu chúng ta tập trung giáo dục con cái về sức khỏe tinh thần, thế hệ sau sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn.

3. Hẹn hò và tình yêu

Thật buồn khi nhiều sinh viên trẻ đỗ vào trường đại học danh giá, học những môn quan trọng, xây dựng bản lý lịch cá nhân tuyệt vời, nhưng lại không hiểu gì về tình yêu. Nhiều người trẻ mất niềm tin hay chịu đau đớn trong tình yêu vì không tìm hiểu kỹ trước khi rơi vào vòng xoáy của nó.

Tại trường học, chúng ta không có những bài học lý giải rằng sự lãng mạn hay tình yêu có ý nghĩa gì hay làm thế nào để xây dựng mối quan hệ yêu đương bền vững? Nếu những điều này được chú ý ở trường học, không nhất thiết phải trở thành môn học, nó có thể là đề tài thảo luận bên ngoài, người trẻ sẽ biết cách lựa chọn con đường thích hợp để tiến tới tình yêu và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp.

Geoff Pilkington từng thử sức ở nhiều lĩnh vực bao gồm kinh doanh, diễn viên, sáng tạo nội dung. Ảnh: IMDb.

Geoff Pilkington từng thử sức ở nhiều lĩnh vực bao gồm kinh doanh, diễn viên, sáng tạo nội dung. Ảnh: IMDb.

4. Nhà và xe

Xung quanh chủ đề nhà và xe có rất nhiều vấn đề bao gồm mua, bán, sửa chữa, quản lý, bảo trì. Việc mua bán xe và nhà là hoạt động rất phổ biến ngoài xã hội, nhưng sinh viên mới ra trường hoàn toàn chẳng có chút khái niệm nào.

 

Ví dụ nếu muốn mua xe hơi, người trẻ sẽ đến tham khảo tại trung tâm trưng bày, lắng nghe lời ngon ngọt của tư vấn viên và dễ dàng sa vào bẫy của họ. Mua một chiếc xe không hề đơn giản, bạn phải tìm hiểu kỹ về giá tiền, độ phù hợp với hoàn cảnh sống, tham khảo một số nhãn hiệu, biết một số mẹo kiểm tra riêng. Chưa kể sau khi mua xe, bạn cần biết cách sửa chữa cơ bản hoặc cách bảo dưỡng, tìm mua bảo hiểm xe, quản lý nó hàng ngày. Tương tự với nhà, người trẻ phải trang bị rất tốt kiến thức cơ bản về nhà và xe trước khi có ý định mua.

5. Hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con cái

Gia đình có ý nghĩa tuyệt vời với mỗi người, nhưng việc xây dựng và duy trì gia đình là vô cùng khó khăn. Đầu tiên là việc duy trì hôn nhân qua hàng chục năm, tiếp đó là nuôi dạy con cái, từ những đứa trẻ sơ sinh đến thanh niên trưởng thành và còn việc kết nối tất cả thành viên trong gia đình với những luồng suy nghĩ khác nhau. Tôi tự hỏi tại sao một vấn đề đặc biệt quan trọng như xây dựng gia đình lại không được dạy trong trường học, để rồi mỗi người trẻ ra đời phải loay hoay theo những cách riêng, có đúng có sai để xây dựng mái ấm của mình?

6. Thẻ tín dụng

Tôi đã gặp rất nhiều người trẻ sau khi ra trường không biết thẻ tín dụng là gì hoặc không biết cách tính lãi suất hay thực hiện các thủ tục ngân hàng. Mỗi người phải học cách xây dựng quỹ tín dụng riêng của bản thân, đây là công cụ đắc lực giúp bạn làm nên những ý tưởng lớn trong tương lai.

7. Cách cư xử chuyên nghiệp

Tại công ty tôi, nhiều ứng viên thẳng thắn chia sẻ không biết cách viết email cũng không biết cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Giao tiếp là một phần rất quan trọng trong cuộc sống, thậm chí quyết định thành bại của mỗi người.

Tôi hy vọng trường học sẽ có những khóa học về giao tiếp hay về cách cư xử chuyên nghiệp giúp học sinh thu thập kiến thức có lợi áp dụng trong môi trường việc làm sau này. Nó có thể đơn giản như cách viết thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn hay cách dùng từ cho từng nội dung cụ thể cho đến cách nói chuyện với sếp, đối tác.

Bên cạnh giao tiếp trong công việc còn là cách ứng xử trong xã hội. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, con người đang dần mất kết nối với thế giới thực và những bài học là thực sự cần thiết.

8. Nấu ăn

Thực tế, nấu ăn là kỹ năng quan trọng để có thể sống độc lập và chăm sóc mọi người xung quanh. Sinh viên rời khỏi trường đại học mà không biết gì về nấu ăn là đáng xấu hổ. Nếu bạn còn không thể tự chăm lo cho bản thân, ai sẽ làm điều đó thay bạn? Vì vậy, khi có thời gian, người trẻ nên dành tiền đăng ký khóa học nấu ăn hoặc vào bếp cùng bố mẹ để học hỏi kinh nghiệm. Thế giới của người lớn là thế giới ta phải tự làm mọi việc để phục vụ nhu cầu của bản thân.

9. Quản lý thời gian

Đây là một trong những bài học yêu thích của tôi. Chúng ta đang đánh giá thấp tầm quan trọng của việc quản lý thời gian. Trong xã hội hiện nay, công việc gần như được đặt lên hàng đầu, nhưng nếu mỗi người chỉ mải miết làm việc thì sẽ không còn thời gian cho bản thân, cho gia đình, mất cân bằng trong cuộc sống. Tuy thế, không ít người than thở là không thể sắp xếp nổi thời gian hay không biết làm thế nào để cân bằng. Đó là lúc người ta mới nghĩ đến việc học cách quản lý thời gian.

Thay vì để suy nghĩ muộn màng, trường học nên dạy học sinh cách quản lý tốt thời gian của mình, để các em có thời gian hình thành và xây dựng thói quen, từ đó không gặp khó khăn trong công việc tương lai.

10. Đối phó thất bại

Có một quan niệm sai lầm rằng thất bại đồng nghĩa với thua cuộc. Khi người trẻ ra trường, họ hừng hực khí thế sẽ chinh phục thế giới, và rồi ngã ngựa. Những thất bại đầu tiên ngoài đời thực khiến họ cảm thấy nhục nhã, ê chề, mất niềm tin vào bản thân và xã hội. Có người bỏ cuộc, có người kiên trì và rồi thành công. Những người trẻ nên được dạy về cách đối phó với thất bại. Tất nhiên, họ có thể học từ những lần vấp ngã nhưng được dạy trước, có sẵn thời gian và phương thức chuẩn bị, thì sẽ nhanh chóng tiến tới thành công hơn.

11. Kỹ năng sinh tồn

Tôi đã tham gia một khóa hướng đạo sinh từ khi còn nhỏ, bố tôi luôn muốn tôi gắn bó với khóa học. Ban đầu tôi không hiểu nhưng sau khi bước ra xã hội, tôi đã tìm ra lý do. Tại khóa học này, tôi được học cách sơ cứu, bơi lội, đốt lửa, xem la bàn, thay lốp ôtô và những kỹ năng sinh tồn khác. Với kiến thức trên, khi bản thân hoặc những người thân xung quanh gặp rắc rối, tôi có thể nhanh chóng phản ứng, tìm cách khắc phục hoặc kéo dài thời gian chờ cứu hộ. Việc sống xung quanh những tòa nhà cao tầng và thiết bị công nghệ thông minh, chúng ta đang dần quên đi những kỹ năng cơ bản để tồn tại.

12. Cách xin việc

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là cách tìm việc làm, vấp ngã đầu tiên của những sinh viên mới ra trường. Về phía bản thân, họ không biết đánh giá công ty tuyển dụng uy tín, không biết cách viết đơn xin việc hay cách làm đẹp cho lý lịch cá nhân. Về phía nhà tuyển dụng, họ không biết công ty yêu cầu điều gì, bộ máy tổ chức hay mục tiêu, trách nhiệm, nhiệm vụ mà công ty đặt ra. Khi qua vòng đơn xin việc, họ không biết cách trả lời phỏng vấn.

Cá nhân tôi khuyên mọi người nên sử dụng mạng xã hội LinkedIn, nguồn tìm kiếm việc làm vô cùng phong phú và chất lượng. Nhà trường nên phối hợp với doanh nghiệp giảng dạy cho sinh viên về kỹ năng cần thiết khi đi xin việc hoặc tiếp cận nguồn việc làm đảm bảo. Tìm kiếm việc làm chất lượng là kỹ năng sống cần thiết để đạt được mục tiêu và phát huy tiềm năng tối đa của mỗi người