Lĩnh vực hoạt động
Hỗ trợ trực tuyến
Tiếng Anh tiểu học
Hotline: 056 898 5678
Kỹ năng sống
Hotline: 038 9977 363
Thống kê truy cập
Đang online: 9
Truy cập: 615.606
Đào tạo ngoại ngữ
Hãy là người cha, người mẹ mà trẻ mong đợi
07:58 - 16/08/2015
1. Hãy để trẻ phải chịu hậu quả tự nhiên của hành vi
Con bạn bị trượt một môn do không học bài, bị mất chiếc áo khoác vì để quên hay hết tiền tiêu vì phải nộp phạt ở thư viện... Theo giáo sư Charles Schaefer, đồng tác giả cuốn sách “Hãy dạy con bạn cách cư xử” (Teach your child to behave) thì đó là những điều hết sức tự nhiên để phát triển tinh thần trách nhiệm và hãy để con bạn tự chịu hậu quả của những việc làm đó. Một đứa trẻ lên ba đã có thể hiểu được nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ nhân quả. Bạn có thể nhẹ nhàng cảnh cáo trước: “Nếu con đập mạnh như vậy thì chiếc ô tô đồ chơi của con sẽ bị vỡ.” Và nếu con bạn không nghe thì hãy cứ để như vậy. Song cần chú ý rằng không mua đồ chơi để thay thế cho đồ chơi đã bị hỏng đó. Trong trường hợp hậu quả xảy ra có thể quá nguy hiểm (như cầm đồ chơi đập mạnh vào kính) hay quá tốn kém (như để xe đạp ở ngoài không khoá) thì bạn có thể báo trước hậu quả có thể xảy ra và dùng hình phạt như không cho chơi thứ đồ chơi đó nữa hoặc cấm không cho đi xe đạp trong 2 tuần.
Sai lầm thường gặp: Đưa ra hình phạt không liên quan đến hành vi của trẻ. Nếu con bạn đòi bật TV nhưng lại nhảy nhót không chịu xem thì sẽ chẳng có nghĩa gì nếu bạn phạt con bằng cách không cho đi chơi vào ngày hôm sau. Để con bạn thấy được mối quan hệ nhân quả thì hãy tắt TV đi.
2. Khích lệ hành vi tốt
Hãy hướng con bạn đến những hành vi tốt như: biết giúp mẹ những việc vặt trong nhà, cho bạn bè chơi cùng đồ chơi, biết lễ phép... Những lúc như vậy bạn nên mỉm cười, khen ngợi hoặc ôm hôn con. Bạn có thể nói những câu như: “Cám ơn con vì đã giữ trật tự trong lúc mẹ gọi điện thoại.” hay “Mẹ thấy con rất giỏi vì đã biết hoà giải với bạn trong lúc chơi”...
Sai lầm thường gặp: “Hối lộ” cho con để ngăn chặn những hành vi xấu. Ví dụ: “Mẹ cho con cái kẹo này thì con không được đánh em.” Những hành vi xấu không xứng đáng được thưởng mà cần phải bị trừng phạt.
3. Biết lựa tính cách của trẻ.
Đứa con đầu lòng của bạn có thể rất ngoan và dễ bảo, nhưng đứa thứ hai lại cứng nhắc, bướng bỉnh. Chính vì vậy việc nuôi dạy con cái không thể áp dụng một công thức máy móc. Bà Stella Chess, đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng “Hãy hiểu con bạn” (Know your child) cho biết: “Chỉ vài tuần sau khi ra đời, những đứa trẻ đã thể hiện sự khác nhau rõ rệt về hành vi”. Tính tình của đứa trẻ sẽ ảnh hưởng đến mức độ hành động, khả năng tập trung chú ý, việc thích nghi với hoàn cảnh, cách thể hiện tình cảm... Cố gắng thay đổi những nét tính cách này là vô ích vì theo các nhà nghiên cứu thì chúng có tính bẩm sinh. Ta chỉ có thể lựa theo tính cách của trẻ để phát triển những tính tốt và hạn chế những tính xấu.
Sai lầm thường gặp: Cố thay đổi thế giới xung quanh cho phù hợp với đứa trẻ. Nếu bạn mang một đứa con hiếu động đến nhà một người quen thì bạn không thể đề nghị họ cất hết những đồ dễ vỡ đi. Thay vào đó bạn nên giáo dục con bạn những hành vi phù hợp và nếu nó vẫn muốn nghịch ngợm thì hãy cho nó ra ngoài.
4. Đặt ra giới hạn.
Bạn muốn con bạn được hài lòng và rất khó chịu khi phải nghe chúng kêu khóc vì bạn cản trở những trò nghịch ngợm của chúng. Theo các nhà nghiên cứu thì điều này có thể xảy ra từ khi trẻ được 6 tháng tuổi. Vì vậy bạn nên đặt ra giới hạn càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ trước tuổi đi học sẽ vâng lời bạn nếu được giải thích một cách dễ hiểu và phù hợp với lứa tuổi. Bạn cần làm cho con bạn hiểu rằng cha mẹ là chủ gia đình. Để bước vào đời, đứa trẻ cần phải biết đâu là giới hạn của mình, đâu là của người khác. Để việc đặt giới hạn có hiểu quả bạn cần phải biết cách chịu đựng sự kêu khóc của trẻ. Hãy đặt ra một ranh giới giữa những hành vi có thể được và những hành vi không thể được, sau đó cho con bạn biết ranh giới đó và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng vượt quá. Điều quan trọng là bạn phải luôn nhất quán.
Sai lầm thường gặp: Quá nghiêm khắc. Trẻ em cần có cơ hội khám phá, học hỏi vì vậy không nên đặt ra những giới hạn không cần thiết. Chẳng hạn, bạn có thể khoanh riêng một góc vui chơi hoặc dành cho trẻ một phòng riêng để trẻ có thể thoải mái nô đùa trong đó.
5. Đừng làm trẻ thất vọng
Khi trẻ có những hành vi làm bạn bực mình, đôi khi bạn quát: “Nếu mày không dọn ngay những thứ bẩn thỉu này đi thì tao sẽ quật mày chết!” hoặc “ Lại về muộn, nói không nghe, đồ mất dạy !”...Các nhà tâm lý cho rằng những câu nói chỉ trích như vậy làm trẻ cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy không còn được bố mẹ yêu thương nữa. Thay cho những câu nói đó bạn nên dùng những câu được bắt đầu bằng đại từ “bố” hoặc “mẹ”. Chẳng hạn: “Mẹ rất buồn khi nhìn thấy bếp bẩn thỉu như thế này.” hay “Bố mẹ rất lo lắng mỗi khi con về muộn.” Những thông điệp kiểu như vậy sẽ khuyến khích trẻ nghĩ đến những tác hại mà hành động của mình gây ra đối với người khác. Chúng sẽ cẩn thận hơn và có trách nhiệm hơn.
Sai lầm thường gặp: Sử dụng những câu nói bắt đầu bằng từ “bố” hoặc “mẹ” nhưng vẫn mang tính chỉ trích nặng nề, ví dụ: “ Bố thấy con cực kỳ ích kỷ.” hoặc “Mẹ thấy con chẳng làm được trò trống gì”.
6. Hãy là bạn của con bạn
Nếu mỗi khi con bạn tâm sự với bạn một chuyện gì đó, bạn thường trả lời bằng những câu như: “Thế thì có gì mà phải buồn!” hay “ Mẹ thấy chuyện đó cũng bình thường, chẳng có gì là ghê gớm....” Như vậy bạn đã vô tình cắt đứt câu chuyện và tạo nên hàng rào ngăn cách trong quan hệ giao tiếp giữa bạn và con bạn. Hãy biết lắng nghe, sẻ chia những cảm xúc để thực sự trở thành người bạn tâm tình của trẻ.