Lĩnh vực hoạt động
Hỗ trợ trực tuyến
Tiếng Anh tiểu học
Hotline: 056 898 5678
Kỹ năng sống
Hotline: 038 9977 363
Thống kê truy cập
Đang online: 5
Truy cập: 615.654
Tin tức - Sự kiện
Sau nghỉ Tết, thầy và trò cần làm gì để tránh uể oải, căng thẳng
09:47 - 19/02/2024
Ngày 19/2/2024 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), hơn 1,7 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức quay trở lại trường học, bắt đầu chương trình học tập bình thường trở lại sau kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày
Trước ngày học sinh trở lại nhịp sống bình thường, nhà quản lý và thầy cô giáo đã đưa ra nhiều giải pháp, lời khuyên giúp các em không còn vấn vương, tránh tâm lý uể oải sau nhiều ngày được vui chơi thỏa thích.
12 điều thầy hiệu trưởng nhắn nhủ học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) chia sẻ, ngay sau kỳ nghỉ Tết, thầy mong muốn học sinh cần tạo ra nhiều đột phá hơn trong học tập và các hoạt động giáo dục.
Thầy Huỳnh Thanh Phú đưa ra 12 điều nhắn nhủ hơn 2.000 học sinh của trường trong năm 2024 như sau:
Trong từng tiết học cần phải mạnh dạn tương tác với thầy cô về những vấn đề mình chưa rõ. Thầy cô sẽ rất vui, thậm chí là hạnh phúc khi nhận được giúp đỡ các em. Bên cạnh đó, các em cần đào sâu nội dung nhiều hơn các kiến thức trong sách giáo khoa.
Phải siêng năng ôn bài, giải bài để hình thành thói quen học tập. Dù mình thông minh, học giỏi nhưng lười chắc chắn khó mà tiến xa.
Tăng cường làm việc theo nhóm để học hỏi bạn bè, thể hiện chính kiến của mình để thuyết phục các bạn. Tham gia dự án trong nhóm bạn giúp mình hình thành kỹ năng dự án lớn hơn khi vào đời.
Tham gia vào dự án một ngày làm giáo viên do trường tổ chức để trải nghiệm làm quản lý lớp, phát huy tố chất làm lãnh đạo.
Phải biết tạo động lực cho mình: Nhìn các bạn có IELTS 8.0 để phấn đấu, thấy bạn đạt giải nghiên cứu khoa học để mà khởi đầu sự đam mê cho mình, biết bạn nghèo khó mà học giỏi thì mình càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, biết bạn mồ côi thì mình càng phải yêu thương ba mẹ nhiều hơn.
Rèn luyện tính tự học: Sưu tầm tài liệu trên không gian mạng, xem phim khoa học bằng ngôn ngữ nước ngoài, đọc những tác phẩm văn học đạt giải quốc tế, giải các bài tập nâng cao.
Biết tự mình chuyển đổi số, nghiên cứu công nghệ và sử dụng công nghệ vào học tập, nghiên cứu và sinh hoạt.
Nên nhớ điện thoại thông minh giúp cho người học tốt hơn. Người nào biết tận dụng thì điện thoại thông minh sẽ là cuốn từ điển, là thư viện, là phòng thí nghiệm hay thậm chí là bộ sách giáo khoa.
Tích cực tham gia vào các câu lạc bộ để tài năng hoặc sở trường của mình được phát huy.
Học phải đi đôi với hành, từ lý thuyết đi vào cuộc sống thông qua các sản phẩm mà ta dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Phải tham gia, biết một hay nhiều môn thể dục thể thao.
Tham gia vào các hoạt động thiện nguyện để bồi bổ tâm hồn, sống vì mọi người theo phương châm “Cho đi là để nhận lại”.
Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, tạo lại thói quen đi ngủ đúng giờ trước ngày đi học
Theo Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa (Quận Bình Thạnh), thường thì vào những ngày nghỉ Tết, học sinh thường hay đi ngủ muộn, thức dậy muộn và ăn uống thất thường.
Chính vì vậy, để trẻ dễ dàng bắt nhịp lại với nề nếp sinh hoạt thường ngày, ba mẹ nên điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt của các em trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc vài ngày.
Ba mẹ nên nhắc các em tạo lại thói quen ăn, ngủ đúng giờ như trước đây, là cách tốt nhất để trẻ hòa nhịp dễ dàng khi quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.
Cũng tránh tình trạng các em quên hết kiến thức đã học trong thời gian vừa qua, ba mẹ cần nhắc trẻ quay trở lại với thói quen tự học và làm bài tập ở nhà. Trước mắt, có thể cho trẻ làm một số bài tập cơ bản trước ngày các em quay trở lại trường, để các em có tinh thần tự học tập.
Ngày đầu tiên học sinh quay trở lại trường học trong năm mới âm lịch, và cũng là ngày thứ Hai đầu tuần, các trường học cũng nên tận dụng giờ chào cờ dưới sân trường đầu tuần để tạo ra các hoạt động như chúc Tết đầu năm với học sinh, thầy cô; hái lộc, đố vui với các câu hỏi có liên quan đến Tết để học sinh vui tươi, hứng khởi, bắt nhịp lại với công việc học tập hàng ngày.
Trong những tiết học đầu tiên của năm mới, giáo viên cũng nên nhẹ nhàng, không quát mắng nếu học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Thay vào đó, thầy cô cũng nên kết hợp “học mà chơi”, thông qua một số hoạt động, câu chuyện được kể lại từ chính các em học sinh như các em và gia đình đã chuẩn bị Tết như thế nào? Những việc mà các em làm trong ngày Tết ra sao, giúp đỡ gì cho ông bà và ba mẹ?
Với học sinh trong những ngày này, thầy cô cũng cần khéo léo, tránh áp đặt học sinh phải vào khuôn khổ ngay, mà cần để các em cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.
Bài viết cùng chuyên mục
- Tham gia trại hè tại Anh Quốc cùng Cando (11/02/2024)
- Kiểu nuôi dạy con này sẽ dồn trẻ đến cùng cực, chỉ chờ ngày bộc phát(02/02/2024)
- THÔNG BÁO NGHỈ TẾT NGUYÊN ĐÁN 2024(31/01/2024)
- Chi tiết lịch nghỉ Tết của học sinh các tỉnh, thành(29/01/2024)
- CẬP NHẬT: Những địa phương nào cho học sinh nghỉ học do rét đậm, rét hại?(26/01/2024)
- Người dùng thuốc lá đang có xu hướng trẻ hóa và những hệ lụy khôn lường(24/01/2024)