banner 3

Đào tạo ngoại ngữ

Trẻ em nên học một ngôn ngữ mới như thế nào

08:08 - 16/08/2015
Làm sao để trẻ học một ngôn ngữ mới, hay bất cứ một điều gì mới, là một câu hỏi lớn. Chúng ta thực chất chưa từng hiểu một cách trọn vẹn quá trình học một điều mới diễn ra trong trí não của con người. Việc tiếp thu một ngôn ngữ của trẻ nhỏ cũng vậy.

Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta không thể đưa ra kết luận về phương pháp học như thế nào cho hiệu quả. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của chuyên gia về giáo dục trẻ em Mitchell Willcox - giảng viên tiếng Anh tại Language Link Việt Nam. Ông cho biết, thực tế, dựa vào những phương pháp học khác nhau của trẻ, chúng ta có thể nhận thấy đâu là cách tốt nhất.

Từ một thí nghiệm giáo dục

Các nhà tâm lý học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ) vừa đưa ra một bản nghiên cứu dựa trên một thí nghiệm đơn giản và chứa nhiều thông tin (Những chỉ dẫn hạn chế khả năng tìm tòi và khám phá tự nhiên). Họ đã đưa cho hai nhóm trẻ em riêng biệt một thứ đồ chơi làm từ rất nhiều những chiếc ống khác nhau. Mỗi ống có một đặc điểm riêng. Có chiếc kêu cọt kẹt, có chiếc có gắn một tấm gương bên trong…

Cả 2 nhóm trẻ đều được một người lớn hướng dẫn cách chơi đồ chơi đó. Ở nhóm thứ nhất, người chỉ dẫn hướng dẫn trẻ cách chơi trực tiếp và không đề cập hết tất cả những chức năng của những chiếc ống. Nhóm thứ hai được một người lớn phát đồ chơi cho một cách hào hứng. Thay vì hướng dẫn trẻ cách chơi, người này tạo cảm hứng cho trẻ thấy khám phá thứ đồ chơi này thật thú vị. Người hướng dẫn này kéo 1 chiếc ống và tỏ ra ngạc nhiên khi chiếc ống phát ra tiếng cọt kẹt và lặp đi lặp lại hành động đó. Và cô ấy tiếp tục nói chuyện với các emtrong khi không ngừng khám phá những chiếc ống. Giống như nhóm 1, giáo viên không đề cập tới tất cả những chức năng.

Sau đó, họ quan sát 2 nhóm trẻ chơi thứ đồ chơi này. Theo những gì các nhà khoa học nhìn thấy, nhóm trẻ thứ nhất không chơi lâu và cũng không khám phá được thêm nhiều chức năng của đồ chơi mà chỉ lặp lại những gì người chỉ dẫn đã làm mẫu (kéo cho ống kêu) rồi dừng lại. Tuy nhiên, nhóm thứ 2 chơi đồ chơi này lâu hơn và khám phá được thêm rất nhiều chức năng của nó. Một nhóm các nhà khoa học khác của Trường Đại học California, Berkeley cũng tiến hành một thí nghiệm tương tự nhưng phức tạp hơn một chút và đều đi đến cùng một kết luận.

Phương pháp những người lớn tương tác với mỗi nhóm trẻ đại diện cho những ý tưởng giáo dục khác nhau. Nhóm đầu tiên - với người chỉ dẫn cách chơi đồ chơi - là ví dụ của phương pháp hướng dẫn trực tiếp. Đây là phương pháp giảng dạy truyền thống, các giáo viên sẽ hướng dẫn tất cả mọi thứ. Nhóm thứ hai là ví dụ cho phương pháp học qua tham gia các trò chơi tương tác. Thí nghiệm đã cho thấy, phương pháp hướng dẫn trực tiếp đã hạn chế sự thích thú của trẻ trước đồ chơi cũng như khả năng tự khám phá và tìm hiểu của trẻ. Các em chỉ bắt chước người lớn và dừng lại ở đó. Nhóm thứ 2 cho thấy trẻ có thể tự học thông qua việc tự tìm tòi và khám phá. Thực tế, trong trường hợp này, trẻ học được nhiều hơn nhờ khám phá của chính mình.

Áp dụng trong dạy học ngôn ngữ thứ hai

Chúng ta đều học thứ ngôn ngữ đầu tiên khi chúng ta chưa biết đọc, và đó là ngôn ngữ mà ta thành thạo 100%. Con người sinh ra với bản năng tự nhiên trong học ngôn ngữ và nhu cầu giao tiếp. Đầu tiên, chúng ta chỉ biết khóc nhưng cho đến khi lên bốn, chúng ta lại có thể giao tiếp với gia đình và bạn bè như một điều kỳ diệu. Đó là một sự thay đổi đáng kinh ngạc từ việc không biết một ngôn ngữ nào trở thành thuần thục một ngôn ngữ khi 4 tuổi. Và bước tiến này được thấy ở tất cả chúng ta và ở mỗi đứa trẻ ta vẫn thấy thường ngày.

Quan sát những đứa trẻ trong một thời gian ngắn, chúng ta có thể thấy ba điều về cách các em học ngôn ngữ đầu tiên. Thứ nhất: trẻ không học ngôn ngữ đầu tiên tại trường vì vốn ở độ tuổi đó các em chưa đi học. Thứ hai: trẻ học được rất nhiều khi nghe người lớn nói chuyện dù không được học một bài học nào về các cấu trúc ngữ pháp. Thứ ba: trẻ khám phá ngôn ngữ đó qua việc trò chuyện với người lớn và mắc các lỗi sai trong ngôn ngữ hay qua chơi đùa và trò chuyện với những bạn cùng tuổi. Nhớ lại 2 nhóm trẻ trong thí nghiệm về đồ chơi. Một nhóm được hướng dẫn trực tiếp, trong khi nhóm thứ 2 được khơi gợi sự thích thú và khuyến khích tự khám phá. Kết quả là nhóm 2 đã học được nhiều hơn.

Ngôn ngữ là một dạng thức phức tạp hơn nhiều so với thứ đồ chơi đưa cho 2 nhóm trẻ đó. Như đã thấy, trẻ em có một khả năng đặc biệt trong học ngôn ngữ qua tự khám phá và nhận thức chức năng của nó. Giáo viên ngoại ngữ khi dạy một ngôn ngữ mới cho các em nên tận dụng khả năng đặc biệt này. Trẻ em thích vui chơi và thử khám phá bởi đó là cách học tốt nhất cho trẻ. Khi các em học ngôn ngữ thứ hai trên lớp, giáo viên phải hiểu sâu sắc cấu trúc của chương trình bao gồm mục tiêu của việc học từ vựng và ngữ pháp cơ bản, nhưng chương trình học cần được xây dựng dựa theo sở thích của các em, và cho các em được tự do nghe, thử khám phá và vui đùa với ngôn ngữ đó. Mặt khác, phương pháp hướng dẫn trực tiếp sẽ lấy đi những khả năng tuyệt vời nhất và quan trọng nhất trong việc tiếp thu của các em: tự khám phá và thử nghiệm. Với phương pháp hướng dẫn trực tiếp trong dạy ngữ pháp cho trẻ em, cho các em làm bài tập và học cho các bài thi, sử dụng sách giáo khoa, học thuộc lòng từ vựng đều là những phương pháp phản tác dụng.

Như thí nghiệm đồ chơi nói trên, những phương pháp này có thể kìm hãm khả năng khám phá và tác động tiêu cực đến khả năng tiếp thu của trẻ.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có tác dụng với trẻ dưới 7 tuổi. Vì một lý do nào đó, trí não con người bắt đầu thay đổi trước tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành, mất đi khả năng dễ dàng tiếp thu một ngôn ngữ một cách tự nhiên. Và để học một ngôn ngữ mới ở độ tuổi này trở đi, trẻ cần được người lớn hướng dẫn trực tiếp.

Câu chuyện Vua Khủng long

Tôi dạy một lớp tiếng Anh dành cho trẻ em. Đây là lớp học cho những trẻ lần đầu học tiếng Anh. Lớp tôi có một cậu bé 6 tuổi mỗi ngày bước vào lớp đều nói với tôi: “Em là vua khủng long! Whoaaaaa!!!”. Và tôi trả lời: “Vậy ngài có thể làm gì thưa vua Khủng long?” Cậu bé sẽ kể cho tôi những sức mạnh đặc biệt của mình. Có thể nói cậu bé này có những kỹ năng xuất sắc nhất trong lớp. Tôi nghĩ điều này phần lớn nhờ có điều kiện tiếp xúc với tiếng Anh tại nhà. Tuy nhiên, việc cậu bé luôn chủ động sẵn sàng khám phá và vui đùa bằng tiếng Anh với tôi khiến tôi tin rằng cậu bé sẽ tiếp tục phát triển năng khiếu tiếng Anh xuất sắc nhất. Và tôi cũng tin cậu bé đạt được sự trôi chảy trong tiếng Anh sớm hơn các bạn không chủ động vui đùa bằng tiếng Anh trong lớp. Nói cách khác, với cậu bé này, tiếng Anh như một thứ đồ chơi để khám phá và vui đùa. Rõ ràng, cậu bé đã học rất nhanh.